Trên đất Bình Phước anh hùng, có những địa danh đã đi vào huyền thoại như núi Bà Rá, khu Căn cứ Tà Thiết, sóc Bom Bo… và sẽ còn đọng mãi trong lòng người không chỉ bằng dấu tích lịch sử mà còn là những bài ca trường tồn cùng năm tháng. “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng là một điển hình như thế.

Nhạc sĩ Xuân Hồng (1928-1996) là tác giả của những ca khúc cách mạng nổi tiếng như “Xuân chiến khu”, “Bài ca may áo”, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, “Mùa xuân bên cửa sổ”… Đặc biệt, ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của ông đi vào lòng người tính đến nay đã hơn 50 năm.

Thi giã gạo của đồng bào S’tiêng tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (Bù Đăng)

Ký ức về tiếng chày giã gạo nuôi quân dưới đêm trăng thơ mộng trong thời kỳ chống Pháp đã theo ông suốt những năm kháng chiến. Mãi đến khi về với sóc Bom Bo trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cảm động trước ân tình của người dân nơi đây đã đùm bọc, chở che bộ đội, ký ức tiếng chày năm xưa ùa về kết hợp nhịp điệu của tiếng chày hôm nay đã làm cho nhạc sĩ có những cảm xúc mãnh liệt. Cùng lúc đó, nhà thơ Võ Hồng Sơn công tác tại Ban chính trị Đoàn 2 vừa cho ra đời bài thơ “Ánh đuốc lồ ô trên căn cứ Nửa Lon” như một sự cộng hưởng để nhạc sĩ Xuân Hồng viết nên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” vào năm 1966.

Sau đó, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” được dựng và phát trên Đài Phát thanh Giải Phóng. Bài hát được đón nhận nồng nhiệt với giai điệu rộn rã tạo khí thế hào hùng cách mạng và đậm chất sử thi, thể hiện nghĩa tình quân – dân ấm áp.

Sau năm 1975, soạn giả Viễn Châu – người được mệnh danh “vua vọng cổ” và là người sáng tạo thể loại tân cổ giao duyên, đã dựa trên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” để soạn lời với cấu trúc “Tân nhạc – vọng cổ câu 1, câu 2 – tân nhạc – vọng cổ câu 5, câu 6”. Từ đó, soạn giả Viễn Châu đã phác họa nên bức tranh đầy lạc quan nơi sóc Bom Bo trong những năm kháng chiến chống Mỹ và khi đất nước thanh bình. Đó là tình quân – dân, là tình yêu thương, đùm bọc và sự hy sinh đầy cao quý cũng như những đóng góp không nhỏ của đồng bào S’tiêng để làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Lồng vào đó là tình yêu lứa đôi vừa kín đáo mà đầy thi vị giữa thiếu nữ sóc Bom Bo và anh chiến sĩ giải phóng quân. Người dân Bom Bo vẫn mong đợi các anh trở lại chiến trường xưa cùng ôn lại kỷ niệm trong những năm tháng gian khó nhưng rất đỗi tự hào:

“Giặc tan rồi anh lo xây dựng quê hương, cho đất nước thêm giàu thêm đẹp, mai mốt có ghé vào đây em lại đãi anh bát nước và hát anh nghe khúc hát năm nào.

Bản hùng ca anh đã dạy các em

khi tạm dừng bước trên đường chiến đấu.

Bóng anh khuất nẻo truông dài,

theo những nhịp chày vang vọng núi rừng xa”.

Với thể loại tân cổ giao duyên, soạn giả Viễn Châu đã mang đến cho công chúng yêu vọng cổ một không khí tràn đầy sức sống, không khí hào hùng của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ và niềm tin lạc quan trên con đường khắc phục khó khăn dựng xây đất nước. Bài tân cổ “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” không chỉ là niềm tự hào của mỗi người dân trên quê hương Bình Phước mà còn đối với khán giả yêu thích vọng cổ trong cả nước.

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ chia sẻ: “Khoảng năm 1976, tôi được mời thu thanh bài tân cổ “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của bác Bảy Viễn Châu. Tôi không ngờ, sau khi được phát sóng, công chúng đã ngợi khen và yêu thích bài hát đến vậy. Hơn 40 năm nay, tôi đi diễn ở đâu thì công chúng đều yêu cầu tôi thể hiện bài tân cổ này. Có thể nói, bài tân cổ “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” đã góp phần không nhỏ vào sự thành công trong sự nghiệp ca hát của tôi.

Tiếng hát của nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ qua bài tân cổ “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” đã trở nên quen thuộc trong lòng của khán – thính giả yêu cổ nhạc từ hơn 40 năm qua. Lời văn và cách ca của nghệ sĩ đã trở thành khuôn mẫu để các nghệ sĩ trẻ sau này học hỏi và trình diễn.

Từ ca khúc của cố nhạc sĩ Xuân Hồng đến bài tân cổ do soạn giả, nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu soạn lời và phần thể hiện của nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ đã làm nên một tác phẩm nghệ thuật vô cùng ý nghĩa. Đây là niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương miền Đông, tạo nên sức sống mãnh liệt cùng năm tháng của một tác phẩm.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : tiếng chày

Các tin liên quan đến bài viết