Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì “Văn hóa là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh”. Nếu áp dụng với việc tham gia giao thông của nhiều người hiện nay thì có lẽ, văn hóa giao thông vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Bởi vì, nói đến văn hóa giao thông trước hết phải chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ. Cùng với đó, các hành vi ứng xử luôn đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tôn trọng người xung quanh, bảo đảm an toàn và trật tự công cộng. Như vậy, văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức ứng xử, chấp hành pháp luật, chuẩn mực đạo đức về giao thông.

Thật ra, văn hóa giao thông đã được tuyên truyền, cổ động nhiều năm qua và được nhiều chuyên gia xem là giải pháp quan trọng nhất giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, một số người ý thức kém, nhất là khi ùn tắc xảy ra, nhận thấy vẫn được hưởng lợi từ vi phạm mà không phải trả giá nên càng xem nhẹ văn hóa giao thông. Chính vì thế, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông vẫn rất cần có sự vào cuộc của các đơn vị hữu quan giám sát kết hợp giáo dục, tuyên truyền khi người tham gia giao thông chưa thật sự tự giác.

Vừa qua, khi thành phố Hà Nội khởi động tuyến xe buýt nhanh (BRT) trong ngày đầu năm mới 2017, dù khu vực này đều được lắp đặt đèn ưu tiên và biển chỉ dẫn cho xe BRT nhưng người tham gia giao thông vẫn phớt lờ. Tại khu vực ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Minh Giám, xe BRT bị “lọt thỏm”, không thể di chuyển vì bị những phương tiện khác lấn làn phía trước. Một số “công dân thủ đô” thản nhiên đi vào đường dành riêng cho xe BRT khiến nhiều người phải bất bình thốt lên: “Cứ phạt thật nặng thì mới “tởn”!

11472909201404174105012017103436

Ảnh minh họa

Ai cũng biết xe BRT tốc độ nhanh, chở được nhiều khách, chi phí đầu tư rẻ. Nhưng khi vẫn còn vượt đèn đỏ, luồn lách lên trên, chiếm vỉa hè lúc ùn tắc thì việc phân làn riêng cho xe BRT bằng dải phân cách mềm là vạch sơn rõ ràng “có cũng như không”!

Người tham gia giao thông được xem là có văn hóa chỉ khi loại bỏ “thói quen” vượt đèn đỏ, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, bật đèn pha trong phố, đi ngược chiều… chỉ vì nhanh vài phút mà không hiểu rằng, hành vi đó không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho bản thân và người xung quanh.

Để có văn hóa trong giao thông trước hết phải đánh vào ý thức, lòng tự trọng ở mỗi người; không vì lợi ích của bản thân làm ảnh hưởng đến người khác. Muốn thế, mỗi người phải có tính cộng đồng biểu hiện qua việc nhường nhịn khi đi đường; khi xảy ra tai nạn, va chạm thì giúp đỡ người bị nạn… Văn hóa giao thông cần được thấm sâu vào nhận thức thông qua tuyên truyền, giáo dục thường xuyên. Chính mỗi hành vi, cử chỉ khi tham gia giao thông đã và sẽ định hình, làm nên nhân cách mỗi người. Văn hóa giao thông hoàn toàn không phụ thuộc vào vẻ bề ngoài mà chính ở mỗi hành vi rất nhỏ khi tham gia giao thông.

An Nhiên

Từ khóa : tai nạntừ điểnTuyên truyềnvăn hóaxem nhẹ

Các tin liên quan đến bài viết