Kể từ đầu mùa dịch, thay vì ăn mì tôm ba bữa, Ly A Nhịa chỉ dám ăn hai. Công việc bảo vệ tại khu nhà xe ký túc xá phải tạm dừng do dịch bệnh khiến Nhịa lo lắng hơn về những ngày nghỉ dài sắp tới.

Ly A Nhịa là chàng sinh viên năm 2 của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Những ngày này, khi các bạn cùng phòng về quê chống dịch, Nhịa không dám quay trở về nhà.

Là con thứ 10 trong gia đình có 11 người con tại Sơn La, kể từ khi lên Hà Nội học, Nhịa không còn xin tiền bố mẹ nữa. Cậu xin vào làm bảo vệ tại khu ký túc xá của trường. Mỗi tháng, Nhịa nhận lương được gần 2 triệu. Số tiền này đủ để chàng trai 20 tuổi trang trải cuộc sống đại học và đều đặn gửi về 500 – 700 nghìn lo cho em trai.

Nhưng kể từ khi dịch bùng phát, khu nhà xe ký túc xá phải đóng cửa. Không còn đi làm thêm, Nhịa loay hoay bám trụ lại Hà Nội.

Không đi làm đồng nghĩa với không có tiền trang trải. Từ ba bữa, Nhịa chỉ dám ăn hai, nhưng cả hai cũng đều là mì tôm úp.

“Em không thể về nhà vì chúng em vẫn học online theo chương trình của trường. Nơi em ở không có sóng điện thoại, do đó nếu về, em không thể bắt kịp chương trình học. Nhưng việc ở lại với em cũng thật sự khó khăn”.

Dịch bệnh bất ngờ khiến Nhịa không có tiền dự trữ. Cậu lo không biết sẽ phải bám trụ ra sao cho tới ngày hết dịch.

Những SV mất việc đột ngột và hành động bất ngờ của thầy hiệu trưởng

Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn

Cùng với Nhịa, vì nhiều lý do, vẫn còn khoảng 200 sinh viên bám trụ lại ký túc xá. GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, rất nhiều em trong số đó có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với mong muốn “không để bất kỳ sinh viên nào bị bỏ lại phía sau”, những người đứng đầu nhà trường đã quyết định cùng hành động để hỗ trợ cho sinh viên còn ở lại Hà Nội trong mùa dịch.

“Dịch bệnh ập đến khiến không chỉ người lao động gặp khó khăn mà chính sinh viên cũng là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng. Có những em đến từ các tỉnh vùng sâu, vùng xa, đời sống còn rất nhiều vất vả.

Nhà trường mong muốn với những hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, vật dụng cá nhân, ít nhiều sẽ giúp các em không cảm thấy mình là người bị bỏ lại trong giai đoạn này”, Hiệu trưởng Phạm Quang Minh cho biết.

Để giúp đỡ cho những sinh viên này, kể từ ngày 8/4, tập thể giáo viên nhà trường đã cùng chung tay quyên góp tài chính nhằm trao tặng những món quà thiết thực tới sinh viên đang gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội. Ngoài ra, nhiều thầy cô còn đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ thêm gạo, mì tôm và nhiều nhu yếu phẩm khác để tạo thành một kho lương thực lớn, sẵn sàng hỗ trợ khi sinh viên cần.

TS Trần Bách Hiếu, Bí thư đoàn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, ngoài ký túc xá, hiện vẫn còn nhiều sinh viên của trường nằm rải rác ở các khu nhà trọ.

Ngay sau khi có ý tưởng này, nhà trường nhất trí cao sẽ huy động xe ô tô để vận chuyển nhu yếu phẩm tới các điểm phát gần nơi sinh viên sống.

“Chỉ cần các em điền vào phiếu đăng ký online, cung cấp thông tin nơi các em đang ở, nhà trường sẽ có mặt. Hiện tại việc di chuyển khá khó khăn nên nhà trường sẽ vận chuyển nhu yếu phẩm đến nơi gần sinh viên nhất để các em không phải đi chuyển nhiều”.

Dự kiến vào mỗi khung giờ cố định, xe chở lương thực của nhà trường sẽ đi tới một điểm phát ở gần khu vực sinh viên sinh sống.

Ngoài gạo, mì tôm, xúc xích, trứng, khẩu trang, nước sát khuẩn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng đang vận động mua thêm hoa quả cho sinh viên. “Điều này giúp các em không phải lo lắng về những ngày ở lại Hà Nội. Nhà trường mong muốn sẽ được sát cánh cùng các em trong giai đoạn này”, thầy Bí thư đoàn trường nhắn nhủ.

Những SV mất việc đột ngột và hành động bất ngờ của thầy hiệu trưởng

Những ngày này, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn liên tục gửi thư động viên sinh viên

Ngoài những hỗ trợ về mặt vật chất, lãnh đạo nhà trường cũng thường xuyên gửi thư cho sinh viên để động viên các em thích nghi và cùng nỗ lực vượt qua mùa dịch.

Nhận được thư của thầy hiệu phó Hoàng Anh Tuấn, sinh viên Trương Ngọc Anh (ngành Trung Quốc học, khoa Đông phương học) xúc động cho biết, “sự quan tâm kịp thời, đúng lúc một cách đầy yêu thương như vậy sẽ tiếp thêm động lực cho chúng em cùng đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Ngọc Anh cho biết, vì nhiều lí do mà mình cùng các bạn vẫn ở lại Hà Nội giữa tâm dịch. Nhiều sinh viên gặp khó khăn khi trước dịch vốn sống dựa vào việc đi làm thêm, nhưng nay phải nghỉ việc bất đắc dĩ. Do vậy, khi nhận được tin hỗ trợ từ nhà trường, Ngọc Anh và các bạn rất bất ngờ và xúc động.

“Của cho không quan trọng bằng cách cho. Cách quan tâm của nhà trường đặc biệt rất nhân văn. Em biết hiện có nhiều tổ chức và các gói hỗ trợ hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhưng cách nhà trường hỗ trợ khiến em cảm thấy rất ấm áp. Chúng em luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương một cách nhân văn như thế”.

Đại diện trường cho biết thêm, sau khi đăng tải thông tin hỗ trợ, nhà trường đã nhận được nhiều đơn đăng ký của sinh viên. Nhà trường sẽ tổng hợp danh sách và lên khung thời gian và địa điểm cụ thể để tới đây phát nhu yếu phẩm tới tận tay sinh viên.

“Mặc dù món quà không nhiều về vật chất nhưng chúng tôi mong rằng, nó sẽ mang ý nghĩa tinh thần lớn nhằm động viên các em lúc xa nhà. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thầy cô cũng không bao giờ bỏ rơi các em”, thầy hiệu trưởng Phạm Quang Minh chia sẻ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19dịch bệnhký túc xávirus Corona

Các tin liên quan đến bài viết