Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh cả Washington lẫn Mátxcơva không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân song sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề.

Nga - Mỹ nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng ngoại giao - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trao đổi với người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại APEC 2017 ở Việt Nam 

Tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đưa ra ngày 27-12, sau cuộc điện đàm một ngày trước đó giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

“Hai bên đã thảo luận sự quan ngại liên quan đến chương trình hạt nhân gây bất ổn của CHDCND Triều Tiên và nhấn mạnh rằng cả Mỹ lẫn Nga đều không chấp nhận Bình Nhưỡng là một cường quốc hạt nhân”, bà Nauert nói.

Đại diện ngoại giao Mỹ cũng xác nhận Washington và Mátxcơva sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao vì một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.

Hôm 27-12, Ngoại trưởng Nga Lavrov nhắc lại đề nghị làm trung gian để giảm căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên vốn đang làm dấy lên lo ngại xung đột mới trên bán đảo Triều Tiên.

Liên quan tới cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng, Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Lavrov đã nói thẳng với người đồng cấp Tillerson rằng chính sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực mới là nguyên nhân gây căng thẳng và Nga không chấp nhận điều đó.

Mátxcơva đã nhiều lần kêu gọi các bên liên quan tiến hành đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh sự cần thiết phải có các bước đi nhanh chóng tiến tới bàn đàm phán thay vì các lệnh trừng phạt như hiện tại.

Trên thực tế, trong nội bộ chính quyền Mỹ đang chia làm hai phe rõ rệt trong vấn đề Triều Tiên. Trong khi ngoại trưởng Tillerson chủ trương ngoại giao, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần cảnh báo sẽ cân nhắc tất cả các biện pháp đáp trả Triều Tiên, bao gồm cả giải pháp quân sự.

Hồi tháng 10, ông Trump nói ông Tillerson đã phí thời gian khi đàm phán với Triều Tiên. Bước sang tháng 12, Nhà Trắng nhắc lại đề nghị đàm phán của ông Tillerson với Bình Nhưỡng sẽ chỉ được thực hiện khi và chỉ khi Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và các hành động gây hấn.

Chiến lược an ninh quốc gia vừa được công bố gần đây của Mỹ xếp Triều Tiên vào một trong những mối đe dọa của nước này. Tài liệu dài 68 trang của Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đang tìm cách giết hàng triệu người Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

Washington nhấn mạnh cho tới khi Bình Nhưỡng còn gây hấn, Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các khí tài quân sự tới khu vực để bảo vệ tài sản quốc gia Mỹ và các đồng minh.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : "ngoại giao"MỹNgaông TillersonTriều Tiênvũ khí

Các tin liên quan đến bài viết