Số vụ tai nạn lao động này đã khiến gần 930 người chết và hơn 1.900 người bị thương nặng. Riêng số vụ tai nạn lao động ở khu vực có hợp đồng lao động tăng khoảng 2% so với năm 2016.

Những số liệu này được Bộ Lao động thương binh và xã hội công bố tại Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, ngày 6-5.

Năm 2017 có hơn 9.000 vụ tai nạn lao động, làm 930 người chết - Ảnh 1.

Toàn cảnh Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động 

Lễ phát động do Bộ Lao động thương binh và xã hội phối hợp với UBND TP.HCM đăng cai, tổ chức. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự chương trình.

Theo Cục an toàn lao động, Bộ Lao động thương binh và xã hội, nguyên nhân chính, chiếm đến 60% dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do sự chủ quan của con người. Đó là các trường hợp không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo và không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân…

Ông Đào Ngọc Dung – bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội thẳng thắn thừa nhận, công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động chưa thực sự tốt, ít truy cứu hình sự với những vụ vi phạm nghiêm trọng.

 Do đó, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, các sự cố nghiêm trọng vẫn ở mức cao. Nhất là đầu năm 2018, số vụ tai nạn lao động, hỏa hoạn, cháy nổ tăng cao.

Ngoài ra, năm 2017 đã phát hiện ra hơn 3.800 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, tăng hơn 500 trường hợp so với năm trước.

“Các ngành nghề mới, các yếu tố nguy hiểm, có hại do công nghệ, vật liệu, thiết bị, hóa chất mới ngày càng tăng trong khi nhiều người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, kỹ năng làm việc và tác phong công nghiệp cũng còn hạn chế” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng cũng kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại, tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc.

“Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá mà phải đi đôi với đảm bảo điểu kiện lao động, sức khỏe, tính mạng của người lao động. Hãy chung tay hành động vì an toàn vệ sinh lao động cho tôi, cho bạn và cho tất cả chúng ta” – bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi.

Năm 2017 có hơn 9.000 vụ tai nạn lao động, làm 930 người chết - Ảnh 2.

Lãnh đạo các bộ, ngành và TP tham quan triển lãm ảnh sáng 6-5 

Trước đó, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) đã diễn ra Triển lãm ảnh về công tác an toàn, vệ sinh lao động thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau TP.HCM, dự kiến, tỉnh Quảng Nam sẽ là địa phương đăng cai tổ chức Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2019.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : an toàn lao độngbệnh nghề nghiệpBộ lao động thương binh và xã hộihợp đồng lao độngtai nnaj lao động

Các tin liên quan đến bài viết