Sự hỗ trợ tích cực và toàn diện từ chương trình khuyến công đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước cải thiện đáng kể năng lực sản xuất, đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ nhà nhập khẩu.

Bình Phước – “thủ phủ” của điều với diện tích 134.000ha, chiếm gần 50% diện tích cả nước; tổng sản lượng đạt gần 150.000 tấn/năm, chiếm 50% sản lượng điều của cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 200 doanh nghiệp và hơn 400 hộ kinh doanh cá thể tham gia chế biến điều, trong đó có khoảng 31 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp với tổng công suất đạt khoảng 81.000 tấn/năm. Với những ưu thế vượt trội về sản lượng cũng như chất lượng, điều đã trở thành cây công nghiệp thế mạnh và là mặt hàng xuất khẩu chính của địa phương.

khuyen cong binh phuoc tiep suc cho nganh dieu
Doanh nghiệp chế biến điều không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, sự phát triển nhanh chóng của ngành điều có sự trợ sức không nhỏ từ công tác khuyến công. 8 năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) đã hỗ trợ 63 cơ sở với kinh phí gần 11,378 tỷ đồng. Phần lớn các đề án tập trung hỗ trợ đổi mới và ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào chế biến, như: Xây dựng 6 mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hạt điều xuất khẩu; ứng dụng 5 máy phân loại màu, 16 máy bóc vỏ lụa hạt điều, 5 hệ thống nồi hơi dùng xử lý hạt điều thô, 30 máy cắt tách hạt điều. Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức đào tạo về chế biến điều cho 335 lao động tại 6 doanh nghiệp; tổ chức 3 hội nghị chuyên ngành điều.

Bộ Công Thương cũng dành cho Bình Phước sự hỗ trợ không nhỏ trong quá trình phát triển ngành điều. Thông qua đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018 – 2020”, Bộ Công Thương dành 9,3 tỷ đồng cho Bình Phước triển khai các nội dung hỗ trợ.

Triển khai đề án, trong năm 2018, trung tâm đã hoàn thành hỗ trợ cho 10 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị trong chế biến điều, với tổng kinh phí 2,05 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ ứng dụng 6 máy tách vỏ cứng; ứng dụng 2 máy tách vỏ lụa; ứng dụng 1 máy bắn màu…

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, thông qua việc thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ, doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận và ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào quy trình sản xuất, chế biến. Từ đó, cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu từ các nhà nhập khẩu.

Quan trọng hơn, sự thành công của các chương trình, đề án khuyến công đã tạo thành điển hình, giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong đầu tư cho sản xuất, đồng thời thu hút đáng kể nguồn vốn đối ứng từ doanh nghiệp.

Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều, năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đề án khuyến công quốc gia, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục bố trí nguồn vốn cho triển khai chương trình khuyến công địa phương; chú trọng thực hiện đề án chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, máy móc, thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Sở Công Thương tỉnh Bình Phước cũng hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường.

Đề án khuyến công quốc gia “Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018-2020” đã được Bộ Công Thương phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện 34 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 10 tỷ đồng.

Theo Congthuong.vn

Từ khóa : Khuyến công Bình Phướcngành điều

Các tin liên quan đến bài viết