Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất to lớn về vấn đề quản lý văn hóa và con người. Vì vậy, vai trò quản lý văn hóa đang đặt ra nhiều vấn đề bức thiết hơn bao giờ hết trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Cần có những giải pháp hoặc cách tổ chức, quản lý để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa từ lễ hội truyền thống.
Tiếp tục giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống
Những năm qua, trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, các nhà nghiên cứu đã tập trung và mất nhiều công sức nghiên cứu về vấn đề quản lý văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Ông Trần Văn Nam – Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa dân tộc cho rằng, thực tế việc ứng xử của nhà quản lý văn hóa đối với đối tượng được quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Đã có không ít người nhận thức chưa đúng, chưa phù hợp về ứng xử với văn hóa và di sản văn hóa, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với môi trường văn hóa, di sản văn hóa cũng như làm lệch lạc, biến tướng các giá trị văn hóa ở nhiều địa phương.
Theo GS.TS Trương Quốc Bình – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), việc quản lý di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu rất đáng khích lệ, còn những mặt tồn tại và hạn chế.
Lấy ví dụ xoay quanh câu chuyện về lễ hội chém lợn, ông Bình cho rằng, với trách nhiệm của mình, những người quản lý cần tìm về căn cốt, ý nghĩa của lễ hội này. Đây là một trong những hoạt động văn hóa đáng trân trọng, là tập quán văn hóa được cộng đồng gìn giữ hàng trăm năm nay. Trước sự phê bình của công chúng với nghi thức chém lợn dã man, địa phương đã có sự tiếp thu, điều chỉnh không làm công khai mà đưa vào khu vực kín đáo hơn.
Tương tự với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), đã có không ít câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc có nên tiếp tục tổ chức nữa hay không? Theo GS.TS Trương Quốc Bình, lễ hội chọi trâu cũng không thể bỏ. Tuy nhiên, việc thực hiện cần phải điều chỉnh, làm sao đảm bảo an toàn cho người xem, nghiêm cấm hành vi tiêm chất kích thích cho trâu chọi
Còn theo Thạc sĩ Bùi Vũ Duy Quang – Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: “Vấn đề cần và cấp thiết nên đặt ra là, phải có những giải pháp hoặc cách tổ chức, quản lý ứng dụng nào để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa từ lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn. Đội ngũ quản lý văn hóa không nên chỉ dừng lại ở sự an toàn cho mình ở nội dung các văn bản quản lý đã ban hành mà cần gắn trách nhiệm của mình với toàn bộ quá trình lễ hội” – ông Quang nhấn mạnh.
Nói về văn hóa quản lý trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, NSND Lê Tiến Thọ – nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng công tác cán bộ hiện nay chưa được quy chuẩn, thiếu đào tạo chuyên môn. Quản lý văn hóa ở các cấp ít hiểu biết về văn học nghệ thuật, mỗi khi nhận xét đánh giá chất lượng nghệ thuật không sâu. Vì vậy nhiều tác phẩm nghệ thuật ra đời thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao.
Không ít vụ việc xâm hại di tích diễn ra trong thời gian qua chưa được xử lý dứt điểm, bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý.
Quản lý di sản văn hóa thế nào?
Quản lý văn hóa trong môi trường hội nhập quốc tế đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Nhiều vấn đề quản lý di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay đã được đặt ra như: Thực tiễn và những bài học kinh nghiệm về văn hóa quản lý trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời kỳ hội nhập quốc tế (từ 1991 đến nay); Tiếp biến văn hóa quản lý trong hội nhập quốc tế đối với văn hóa quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam; Văn hóa quản lý di sản trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số ở Việt Nam; Các giải pháp xây dựng văn hóa quản lý ở Việt Nam trước mắt và lâu dài…
GS.TS Trương Quốc Bình cho rằng, chính quyền các cấp không nên coi việc xếp hạng di tích, cấp phép tu bổ di tích, tổ chức lễ hội là hoạt động dịch vụ mà phải tạo thuận lợi nhất cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến trong việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa đã được tổ chức để phù hợp với thực tiễn.
Trong quá trình hội nhập phát triển hiện nay cần có sự tăng cường quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, rà soát và cải thiện những vướng mắc trong quy định pháp luật, ban hành những chủ trương, chính sách, kế hoạch quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi sai phạm luôn là mục tiêu hàng đầu cần thực hiện tốt, để giúp cho hoạt động quản lý đạt được những hiệu quả cao trong thời gian tới, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
PGS. TS Đinh Công Tuấn – Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa cũng cho rằng, nhằm nâng cao công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân. Mỗi người dân và cán bộ cần tiếp tục trau dồi kiến thức và phải có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội dung, ý nghĩa của việc quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa. Các cấp, các ngành cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư đối với việc quản lý Nhà nước về di sản văn hóa.
Theo Theodaidoanket.vn