Tăng sản xuất lúa sạch ra sao? Chưa bao giờ giá lúa được nông dân ĐBSCL bán ra ở mức cao như thời gian qua, giá lúa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi giá gạo xuất khẩu đang đứng ở mức cao trong bối cảnh Ấn Độ vẫn chưa mở cửa xuất khẩu gạo trở lại.

Ước cả năm 2023, xuất khẩu gạo đạt trên 4 tỉ USD - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ước cả năm 2023, xuất khẩu gạo đạt trên 4 tỉ USD 

Tuy nhiên, để đảm bảo cho bà con trồng lúa có lợi nhuận cao ngay cả khi giá lúa giảm, các địa phương tại ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tiếp giá thành sản xuất và tiến tới sản xuất lúa hữu cơ, thân thiện với môi trường…

Khi nông dân được thương lái “o bế”

Vừa thu hoạch xong vụ lúa thu đông với năng suất ước đạt 900kg đến 1 tấn lúa tươi/công, ông Phạm Duy Khánh (xã Định Hòa, huyện Gò Quao, Kiên Giang) cho biết điều mà nhiều người dân khu vực này vui nhất là được thương lái vào thu mua với giá 6.800 – 8.000 đồng/kg lúa tùy loại giống (OM18, Đài thơm 8 hay RVT), cao hơn 300 – 2.000 đồng/kg so với vụ trước.

“Với giá lúa này, sau khi trừ đi chi phí, chúng tôi thu về lợi nhuận khá, khoảng 3 triệu đồng/công. Hơn 20 công đất của gia đình tôi kiếm được hơn 50 triệu đồng”, ông Khánh cho biết. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Xô (xã Thiện Mỹ, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) cho biết gần 40 năm gắn bó với cây lúa, chưa bao giờ giá bán “ngon lành” như năm nay.

Vụ hè thu 2023, nông dân trồng lúa được thương lái săn đón và o bế, khác xa với cảnh lúa bị “chê ỏng chê eo” và bị ép giá như mọi năm. Thời điểm lúa làm đòng, nhiều thương lái đã tìm đến nhà đặt cọc, nài nỉ tạm ứng tiền trước bao nhiêu cũng được. “Tui làm ruộng lâu đời, chưa từng chứng kiến cảnh này bao giờ. Không chỉ thương lái dễ dãi cân lúa, mà còn mua vào với giá rất cao”, ông Xô khoe.

Ông Phan Văn Nhơn – giám đốc Hợp tác xã Bình Hòa (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) – cũng cho hay nông dân đã thu hoạch xong vụ thu đông. Dù giá lúa theo ký kết từ đầu vụ là 7.500 đồng/kg đã tăng lên 7.800 đồng/kg, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá thị trường 1.500 đồng/kg. Tuy nhiên, nông dân vẫn vui vẻ giao lúa, công ty bao tiêu thu mua nhanh chóng, hỗ trợ thêm các khâu thu hoạch và vận chuyển.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa thu đông năm 2023, địa phương này xuống giống 116.000ha, đến nay đã thu hoạch xong, năng suất bình quân 60,4 tạ/ha, lợi nhuận gần 30 triệu đồng/ha. Từ đầu tháng 11, lúa chất lượng cao giữ mức giá 8.600 đồng/kg và đến nay chạm mức 9.200 – 9.300 đồng/kg, có nơi bán với giá 9.400 đồng/kg, giá lúa cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 2.500 – 3.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Nhã – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng – cho biết vụ hè thu 2023, người làm lúa tại địa phương này thắng lớn nên bà con rất phấn khởi. Dự kiến vụ đông xuân năm nay, Sóc Trăng gieo trồng khoảng 174.000ha, đến nay bà con đã xuống giống lúa đông xuân trên 70.000ha. “Những vùng giáp biển có khả năng ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn xuống giống sớm hơn cùng kỳ từ 10 – 25 ngày nên không đáng lo ảnh hưởng đến năng suất”, ông Nhã nói.

Sản xuất lúa thân thiện với môi trường

Theo ông Lâm Quốc Toàn, phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, địa phương này đang triển khai chương trình làm lúa thân thiện với môi trường cho bà con ở huyện Giồng Riềng, Hòn Đất với diện tích hơn 400ha. Khi áp dụng mô hình trồng lúa này, nông dân có thể tiết giảm 20 – 30% chi phí sản xuất nhưng năng suất lúa vẫn không đổi, ước đạt 6-7 tấn/ha.

Để triển khai mô hình này, hội nông dân sẽ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, phân bón… và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lúa cho bà con. “Tới đây, chúng tôi dự kiến sẽ triển khai tiếp giai đoạn 2 để nhân rộng ra cho bà con và hướng dẫn trồng lúa hữu cơ để góp phần làm ra hạt lúa sạch, giảm chi phí sản xuất, ít sử dụng phân thuốc và nâng cao lợi nhuận, ổn định cuộc sống gia đình”, ông Toàn nói.

Ông Lê Văn Chấn – phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp – cũng cho biết nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng cao đều áp dụng quy trình sản xuất “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” đạt trên 70% diện tích hướng đến xuất khẩu. Theo ông Chấn, diện tích thực hiện liên kết sản xuất lúa 6 tháng đầu năm 2023 trên 44.000ha, sản lượng trên 309.000 tấn.

Nông dân tham gia sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm được công ty thu mua cao hơn từ 900 – 1.000 đồng/kg so với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. “Mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 150 – 250 đồng/kg, tăng thu nhập cho người dân từ 5-8 triệu đồng/ha so với canh tác bình thường.

Ngoài ra, mô hình tạo được vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới thực hiện cánh đồng lớn, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo VN”, ông Chấn cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nhã, ngoài việc tăng cơ cấu giống lúa chất lượng, đặc sản với khoảng 80% diện tích canh tác, Sóc Trăng cũng triển khai các mô hình như “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại theo phương pháp IPM, sử dụng phân bón hợp lý, ứng dụng cơ giới trong khâu gieo sạ, thu hoạch… Nhờ đó, lượng lúa giống gieo sạ giảm 50 – 80kg/ha, giảm lượng phân đạm bón cho lúa 17 – 30kg/ha và giảm lượng phun thuốc trừ sâu rầy 3 – 4 lần/vụ.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã triển khai các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý nông nghiệp. Trong đó, ứng dụng phần mềm Facefarm tại một số hợp tác xã sản xuất lúa, tạo tiền đề thực hiện hoạt động tín chỉ carbon trong thời gian tới.

“Sóc Trăng đang đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất lúa theo quy trình canh tác tổng hợp thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận, giảm phát thải khí nhà kính”, ông Nhã cho hay.

Giá lúa đang tăng cao khiến người trồng lúa có lời nhiều nhất từ trước tới nay, tuy nhiên người dân mong muốn được hưởng lợi lâu dài thay vì chỉ là nhất thời - Ảnh: CHÍ QUỐC

Giá lúa đang tăng cao khiến người trồng lúa có lời nhiều nhất từ trước tới nay, tuy nhiên người dân mong muốn được hưởng lợi lâu dài thay vì chỉ là nhất thời 

* Bà Nguyễn Thị Hiền (phó tổng giám đốc Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau):Hỗ trợ nông dân với giá phân bón hợp lý

Phân bón Cà Mau có bộ sản phẩm mang thương hiệu “Hạt ngọc mùa vàng”, với dòng sản phẩm phân hữu cơ và phân vô cơ. Chúng tôi sản xuất ra hai dòng phân đơn là URE và phân phức hợp là NPK, cùng với các loại được nhập khẩu như phân DAP, Kali, SA và nhiều dòng sản phẩm vi sinh khác.Đặc biệt, đối với các sản phẩm do nhà máy sản xuất, chúng tôi tính toán cung – cầu mùa vụ để làm sao không gây sốt giá, đồng thời đảm bảo làm sao hài hòa lợi ích giữa các bên bởi nông dân có lợi ích mới tái đầu tư mua phân bón của chúng tôi. Cụ thể, tương ứng với nhu cầu của từng vụ, chúng tôi chuẩn bị lượng hàng hóa trước đó để đưa ra thị trường, không gây thiếu hụt nguồn cung và đưa theo giá thị trường.Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai nhiều hoạt động như truyền thông về giải pháp canh tác, về cách thức bón phân sao cho hợp lý, tránh lãng phí. Và qua những hội thảo, chúng tôi tập huấn cho nông dân về phương pháp canh tác cũng như cách thức sử dụng, hướng dẫn sử dụng các loại phân bón sao cho hợp lý và khoa học nhất. Chúng tôi cũng cung cấp nhiều mô hình trình diễn miễn phí dùng thử phân bón cho bà con nông dân. Đặc biệt, khi nông sản ứ chợ, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động mang tính thiện nguyện khác, giúp nông dân trong việc tiêu thụ nông sản.Tuy nhiên, theo chính sách thuế VAT hiện nay, phân bón không được hoàn thuế đầu ra. Từ năm 2016 đến 2022, số tiền từ thuế VAT đầu vào của phân bón Cà Mau là hơn 1.900 tỉ đồng. Với số tiền thuế VAT này, nếu như được hoàn thuế đầu ra, chúng tôi sẽ có cơ sở giảm giá bán, góp phần làm cho người nông dân mua được phân bón sản xuất nội địa với giá hợp lý và cạnh tranh được với các mặt hàng phân bón nhập khẩu khác.

Nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa gạo

Bà Trần Thu Hà, giám đốc dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở ĐBSCL – TRVC” (Tổ chức Phát triển Hà Lan), cho biết dự án được triển khai ở ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp nhằm phát triển sinh kế, nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho khoảng 200.000 nông hộ.Theo đó, mô hình này sử dụng cơ chế kéo và thông qua sự vào cuộc của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo, dự án tạo chất xúc tác hữu hiệu, mang tính tiên phong để thúc đẩy doanh nghiệp tổ chức các vùng nguyên liệu theo hướng bền vững đa giá trị mang lại các lợi ích và đồng lợi ích về kinh tế xã hội và môi trường. “Đồng thời tạo tiền đề cho việc chứng nhận tín chỉ carbon, sẵn sàng cho các giao dịch khi thị trường tín chỉ carbon tự nguyện được vận hành thí điểm năm 2025 và hoạt động từ năm 2028. Ngoài các giải thưởng cho nông dân, còn có sáu giải thưởng khuyến khích cho các doanh nghiệp có chỉ số giảm phát khí thải”, bà Hà nói.

Nông dân Đồng Tháp sản xuất xanh

Tỉnh Đồng Tháp vừa đăng ký với Bộ NN&PTNT tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” với diện tích đến năm 2025 là 70.000ha, đến năm 2030 là 163.000ha.

Đến nay, Đồng Tháp có 52.000ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải. Vụ đông xuân 2023 – 2024, Đồng Tháp tham gia dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở ĐBSCL (TRVC)” với tổng diện tích 41.000ha. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm từ 2023 – 2027, nhằm tạo liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp chia sẻ lợi nhuận trong chuỗi sản xuất.

Ông Mai Văn Út – giám đốc HTX An Thạnh, huyện Thanh Bình – cho rằng dự án TRVC mở ra nhiều chính sách có lợi cho nông dân, ít các ràng buộc về nguồn sản xuất đầu vào như giống lúa, phân bón. “HTX của chúng tôi đã sản xuất theo quy trình IPM, SPR nên các tiêu chuẩn sản xuất an toàn đều đạt chuẩn để đăng ký tham gia đề án. Trước đây, khi ký kết với doanh nghiệp, chúng tôi bị ràng buộc về giá, giống lúa và phải mua vật tư của công ty. Thêm nữa, giá cả được bao tiêu đảm bảo dù tới mùa giá lúa tăng hay giảm, nông dân cũng không thua lỗ”, ông Út nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : lúa sạch thương láisản xuất lúaThu mua lúa

Các tin liên quan đến bài viết