Những thông tin xấu chưa từng có trong 30 năm đến từ Trung Quốc đã góp phần nhấn chìm thành quả của tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông chủ Nhà Trắng không có quyền trong khi các nước vẫn duy trì chủ nghĩa thực dụng.

Giá dầu xuống đáy mới: 1.800 đồng/lít

Trái với kỳ vọng của ông Donald Trump và nỗ lực của  tổng thống Nga Vladimir Putin, giá dầu đã giảm mạnh sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục (giảm 9,7 triệu thùng/ngày) đạt được hôm 12/4 vừa qua. Cuộc chiến dầu khí giữa Nga và Saudi Arabia đã chấm dứt nhờ những nỗ lực của ông Trump nhưng tình hình có dấu hiệu tệ hơn.

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, giá dầu WTI (giao tháng 5) tiếp tục giảm mạnh, bốc hơi khoảng 36% trong một phiên, tụt xuống dưới ngưỡng 12 USD/thùng  (tương đương dưới 1.800 đồng/lít dầu thô) sau khi đã giảm 20% trong tuần trước và kết thúc ở mức 18,27 USD/thùng.

Thậm chí, điều không tưởng đã xảy ra khi rạng sáng 21/4 (giờ Việt Nam) giá dầu thô WTI giao tháng 5 tiếp tục tụt giảm mạnh và lần đầu tiên trong lịch sử xuống mức âm. Chốt phiên đầu tuần trên thị trường Nymex, giá dầu giảm 55,9 USD xuống còn -37,63 USD/thùng. Tới 6h30 sáng 21/4, giá dầu giao tháng 5 ở mức khoảng âm 12 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 6, tháng 7, tháng đang ở quanh mốc 20 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu WTI đã lao dốc xuống đáy mới và thấp nhất từ năm 1999 cho tới nay. Đây là một tín hiệu phản ánh sự lo ngại về tình trạng dư cung dầu trên phạm vi toàn cầu, khả năng dự trữ đã tới hạn và nhu cầu sụt giảm do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Giá dầu tụt giảm trong bối cảnh Trung Quốc công bố số liệu cho thấy lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chứng kiến tăng trưởng âm. GDP quý 1 /2020 của nước này giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn so với mức dự báo 6,5%

Đối mặt thảm cảnh, Donald Trump hết cờ, toàn cầu may rủi
Giá dầu thô WTI giao tháng 5 tụt giảm xuống dưới 12 USD/thùng (tương đương 1.800 đồng/lít)

Thông tin nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng âm đã lấn át kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã làm tê liệt hoạt động sản xuất và chi tiêu tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Nhu cầu đối với dầu thô được dự báo sẽ xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay do phần lớn các nước áp dụng biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chỉ riêng trong tháng 4/2020, mức tiêu thụ giảm 29 triệu thùng/ngày (xuống còn khoảng 70 triệu thùng/ngày), so với mức khoảng 100 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Dự báo trong cả năm 2020, lượng dầu tiêu thụ sẽ giảm trung bình 9,3 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, sự sụt giảm không ngừng của giá dầu sau khi OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày cho thấy mức tiêu thụ thực tế có thể còn thấp hơn nữa và khả năng dự trữ dầu của các nước lớn trên thế giới đã tới hạn.

Theo hãng tư vấn Trifecta Consultants, các cơ sở tích trữ dầu thô của Mỹ tại Cushing (bang Oklahoma) đang đầy lên nhanh chóng, trong khi các nhà máy tinh lọc đã giảm hoạt động đáng kể.

Còn theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 19,25 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 10/4.

Trong một tuyên bố trong tuần trước, tổng thổng Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng nhóm OPEC+ sẽ tăng gấp đôi mức cắt giảm sản lượng, tức cắt giảm khoảng 20 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Nhưng trên thực tế, các nước đều duy trì chủ nghĩa thực dụng, không muốn phải cắt giảm mạnh sản lượng. Còn với Mỹ, nước này không ấn định sản lượng sản xuất dầu mà là do các doanh nghiệp tự quyết định theo cơ chế thị trường.

Đối mặt thảm cảnh, Donald Trump hết cờ, toàn cầu may rủi
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ 1999.

Tình hình nước Mỹ “thê thảm”

Trong một dự báo gần đây, các nhà phân tích đến từ công ty tư vấn Rystad Energy cho rằng, giá dầu thô có thể xuống mức 10 USD/thùng (và điều này sắp thành sự thực) bởi thế giới hết khả năng dự trữ. Nhiều nước như Canada sẽ hết chỗ chứa chỉ trong vòng vài ngày tới.

Mỹ là một nước chịu ảnh hưởng lớn của giá dầu giảm thấp. Cuộc chiến dầu khí giữa Nga và Saudi Arabia trong hơn một tháng đã khiến lĩnh vực dầu khí, nhất là dầu khí đá phiến Mỹ điêu đứng.

Tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn nữa và được đánh giá  là “khá thê thảm” khi mà giá dầu liên tiếp xuyên thủng ngưỡng 30 USD, 20 USD và giờ đây là 15 USD/thùng.

Thông tin trên Reuters cho thấy, chỉ trong tuần trước, các nhà khai thác dầu tại Mỹ đã đóng cửa 13% số lượng giàn khoan để giảm chi phí, đồng thời ngừng hoặc hủy các dự án khai thác mới.

Đối mặt thảm cảnh, Donald Trump hết cờ, toàn cầu may rủi
Ngành dầu khí của Mỹ gặp rất nhiều khó khăn.

Thông tin ước tính cho thấy, các doanh nghiệp dầu khí đá phiến Mỹ cần giá dầu trung bình ít nhất 50 USD/thùng để có thể sinh lời. Trong thập kỷ vừa qua, dầu khí đá phiến Mỹ phát triển mạnh giúp Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo Moody’s, nó cũng khiến ngành dầu mỏ Mỹ vay nợ lên tới 86 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, thời kỳ khó khăn nhất đối với ngành dầu khí thế giới là quý 2. Đây là khoảng thời gian mà nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm kỷ lục do tích trữ đã đạt đỉnh, trong khi các nước chưa thể nhanh chóng cắt giảm sản lượng theo như thỏa thuận. Và con số cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày cũng không đủ để ngăn chặn giá dầu giảm.

Nga và Saudi Arabia khó có thể cắt giảm sản lượng hơn nữa do nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ. Các nước khác có thể còn gặp khó khăn hơn. Trong thỏa thuận vừa qua, Mexico thậm chí đã không đồng ý mức cắt giảm 23% sản lượng (tương đương 400 ngàn thùng/ngày), mà sau đó các nước trong nhóm OPEC phải nhượng bộ cho Mexico chỉ cắt giảm 100 ngàn thùng.

Với nước Mỹ, tổng thống Trump không có quyền can thiệp vào sản lượng khai thác của các nhà sản xuất dầu. Chính quyền Mỹ cũng không có khả năng ấn định giá bởi vướng luật chống độc quyền. Ngay cả Ủy ban Texas Railroad, cơ quan điều tiết sản xuất tại tiểu bang miền nam nước Mỹ (cung cấp 40% lượng dầu của Mỹ) cũng khó có thể hạn chế sản lượng bởi do các vấn đề pháp lý và kỹ thuật.

Hiện tại, chính quyền Donald Trump đang tính tới khả năng chính phủ sẽ trả tiền cho các nhà sản xuất để kìm hãm sản xuất. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề liên quan tới ngân sách, vốn đang căng mình đề hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc do dịch Covid-19.

Trên Teletrader, theo số liệu từ Baker Hughes, tính đến tuần kết thúc hôm 17/4, nước Mỹ đã chứng kiến 66 giàn khoan dầu ngưng hoạt động. Đây là tuần giảm thứ 5 liên tiếp và số giàn khoan chỉ còn 438. Tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn trong thời gian tới. Đây sẽ là một áp lực nữa đối với ông Donald Trump khi mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn khoảng 6 tháng nữa.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Donald Trumpđồng/lítgiá dầuMỹopecUSD/thùng

Các tin liên quan đến bài viết