Khi nói đến chuyện học sinh chịu áp lực học hành, thi cử, thường người ta sẽ đổ lỗi lên đầu thầy cô. Nhưng mấy ai hiểu ngay chính giáo viên cũng chịu áp lực không nhỏ từ các kỳ thi.

Diễn đàn Để không còn khổ vì học: Giáo viên cũng sợ... thi - Ảnh 1.

Học sinh một trường THCS ở TP.HCM ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022 

Giáo viên sợ thi bởi chúng tôi sợ kết quả của học sinh không tốt.

Xoay vần với thi cử

Khi chuẩn bị đến kỳ thi, thường thì giáo viên sẽ tích cực sưu tầm đề thi trên mạng, của các trường bạn hoặc của các năm trước để phát cho học sinh ôn luyện. Tất cả cốt làm sao để học sinh nắm vững kiến thức và thi đạt kết quả tốt nhất.

Tôi cũng muốn cho học sinh được phát triển tự nhiên, theo đúng thế mạnh nhưng vẫn phải yêu cầu các em ôn luyện, làm bài tập, giải các đề thi toán, luyện tiếng Việt, tiếng Anh… dù tôi biết thế mạnh của các em có thể là sử, địa hoặc âm nhạc, mỹ thuật.

Cả thầy lẫn trò đều gồng mình lên ôn luyện để đáp ứng tốt nhất cho kỳ thi. Tôi biết nhiều em cũng ám ảnh với chuyện học để thi.

Hầu như không một học sinh nào có thể thờ ơ với chuyện luyện đề. Trong khi đó, lớp 4 – lớp tôi chủ nhiệm, các em có biết bao nhiêu môn học, bao nhiêu kiến thức phải ghi nhớ trong một thời gian ngắn.

Thi giữa kỳ chưa xong, còn chưa được xả hơi lại đến thi cuối kỳ. Nhưng chúng tôi không thể làm khác, vẫn phải học và thi thôi. Với những em học khá giỏi thì việc luyện đề không gặp nhiều khó khăn, nhưng với những em tiếp thu chậm thì đó là một áp lực lớn.

Giá như không phải thi

Không phải gia đình nào cũng ép con trở thành “ông nọ bà kia”. Cũng có nhiều phụ huynh mong muốn con được chơi nhiều hơn, nhưng chuyện thi cử đã đánh cắp đi khá nhiều thời gian của con trẻ. Tôi vẫn ám ảnh lời của một phụ huynh: “Em muốn con học ít hơn, chơi nhiều hơn mà lực bất tòng tâm. Giá như không có những kỳ thi”.

Nếu bây giờ làm cuộc khảo sát với học sinh rằng học để làm gì, hẳn là sẽ không nhiều đứa trẻ biết được mục tiêu, cái đích của việc mỗi ngày đến trường của chính mình.

Các kỳ thi đang tạo ra áp lực rất lớn cho học sinh trong khi không thể giúp các em cảm nhận được ý nghĩa của việc học, không thể phát triển năng lực của bản thân.

Tôi mong rằng việc đổi mới giáo dục không nằm ngoài mục tiêu phát triển năng lực của người học và mong rằng các kỳ thi không phải là “ngáo ộp” đối với học sinh, phụ huynh và ngay chính giáo viên.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Để không còn khổ vì họchọc sinhkhổ vì học

Các tin liên quan đến bài viết