Cụm di tích khảo cổ học Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia từ ngày 5-9-1989 nhưng đang bị bỏ hoang vì di tích này có trong sổ đỏ của dân.
Di tích quốc gia chứa cổ vật Óc Eo nhưng sổ đỏ thuộc  dân
Tấm bảng di tích Gò Xoài xập xệ sau bãi rác

Khu di tích Bình Tả được biết đến từ thời Pháp, là một cụm gồm 17 phế tích kiến trúc và di chỉ cư trú.

Di tích giá trị về văn hóa Óc Eo
Trong 2 năm 1987, 1988, Sở Văn hóa – thông tin Long An phối hợp với Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM khai quật ba di tích chính còn lại là Gò Đồn, Gò Xoài và Gò Năm Tước. Việc khai quật đã phát hiện mỗi di tích đều ẩn chứa một công trình kiến trúc đền đài, thu thập hàng trăm hiện vật lịch sử có giá trị như: tượng thần giữ đền Dravapala, đầu tượng phúc thần Ganesa, nhiều vật thờ như linga, yoni, máng dẫn nước thiêng, bàn nghiền hương liệu, mi cửa chạm trổ hoa văn thực vật, trụ đá chạm hoa văn thực vật, vàng miếng khắc hình vật và hoa văn, dấu tích kinh kệ…Điều này cho thấy đây là một trong những trung tâm chính trị – quyền lực – tôn giáo từ thời văn hóa Óc Eo, có tuổi khoảng 1.600 năm trước. Hàng trăm hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Long An. Ngay sau khi khai quật, tháng 9-1989, cụm di tích Bình Tả với ba kiến trúc đền đài tại Gò Đồn, Gò Xoài và Gò Năm Tước được phong là di tích lịch sử cấp quốc gia. Cụm di tích này sau đó được bảo tồn chủ yếu ở Gò Đồn với diện tích bảo tồn 7.000m2, Gò Xoài với diện tích 2.000m2 và Gò Năm Tước với diện tích 1.000m2. Năm 2009, những điểm bảo tồn này được xây hàng rào xung quanh, chính thức lập khu di tích. Cụm di tích Bình Tả cũng trở thành điểm du lịch tại tỉnh Long An. Tuy nhiên hiện nay, ngoài bảng chỉ dẫn vào cụm di tích, các khu di tích lịch sử quan trọng này gần như bị bỏ hoang phế. Khu di tích Gò Đồn không một bảng chỉ dẫn, cỏ mọc um tùm khắp quần thể kiến trúc đền đài từng được khai quật. Khu di tích Gò Xoài trông càng thê thảm, dù có bảng hiệu xập xệ và nằm ngay sau một bãi rác của người dân. Lội qua bãi rác đi vào thì chỉ còn thấy một bãi lầy ngập nước không có đường chính dẫn vào và đầy vết chân bò. Còn khu di tích Gò Năm Tước thì bị cô lập hoàn toàn đằng sau những ao nước, không thể thấy gì ngoài những trụ rào ngăn khu di tích bị dỡ bỏ rào chắn và cỏ mọc um tùm. Giằng co chuyện giải tỏa

Di tích quốc gia chứa cổ vật Óc Eo nhưng sổ đỏ thuộc  dân
Quần thể kiến trúc chính trong khu di tích Gò Đồn cỏ mọc hoang đầy 

Trao đổi về sự hoang phế của một di tích quốc gia có giá trị cực kỳ quan trọng với ngành khảo cổ này, bà Nguyễn Thị Sáu – phó giám đốc Bảo tàng Long An, đơn vị quản lý cụm di tích – cho biết từ khi khai quật, diện tích đất của các khu di tích trong cụm di tích Bình Tả vẫn thuộc người dân sở hữu, do đó việc bảo vệ, tôn tạo di tích hết sức khó khăn. Trong những năm gần đây, người dân liên tục đòi lại quyền lợi của họ đối với mảnh đất này. Có hộ dân còn gửi đơn kiện tụng nhiều nơi. “Họ rào luôn chung quanh, thỉnh thoảng chúng tôi muốn vào để diệt cỏ, chăm sóc lại họ cũng không cho”, bà Sáu nói. Để giải quyết tình trạng này, ngay từ khi lập hàng rào khu di tích từ năm 2009, UBND tỉnh Long An giao Sở Tài nguyên – môi trường thực hiện việc kê biên, đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc đền bù giậm chân tại chỗ. Theo những người dân đang sở hữu đất có di tích, điều khiến họ bức xúc là việc đền bù giải tỏa chỉ tính từ năm 2009, trong khi từ lúc những nhát cuốc khai quật đầu tiên bổ xuống vào năm 1987, xem như họ đã giao đất cho Nhà nước và không thể sản xuất gì trong khu vực di tích. Trước những bức xúc của người dân, ông Phạm Kim Bửu – phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Long An – cho biết chủ trương của tỉnh Long An vẫn sẽ trả tiền cho người dân để giải tỏa, phục hồi cụm di tích này. Nhưng vấn đề chính là chưa có kinh phí để trả. Số tiền ước tính cần chi trả để tỉnh “lấy lại” khu di tích ở thời điểm này lên hơn 9 tỉ đồng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : di tíchđền bù giải tỏaGò ĐồnGò Năm TướcGò Xoài

Các tin liên quan đến bài viết