Theo Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu phải được lưu trữ, quản lý tại Trung tâm dữ liệu TP đảm bảo an toàn; 100% hệ thống thông tin về đất đai được hình thành; hoàn thành dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử…

Đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu được lưu trữ, quản lý, bảo đảm an toàn - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị triển khai chiến lược quản trị dữ liệu

Sáng 3-3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai chiến lược quản trị dữ liệu của TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trước đó, ngày 6-2-2023, UBND TP đã ban hành quyết định số 328/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu của TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm triển khai đô thị thông minh và chuyển đổi số.

Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM

Báo cáo về mục tiêu của Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM, bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP, khẳng định chiến lược nhằm:

Tạo lập các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin nền tảng; số hóa, sử dụng hiệu quả dữ liệu số hóa.

Thúc đẩy chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, hướng đến quản trị và điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Cung cấp dữ liệu thống nhất, tin cậy, bảo mật và an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu để khai thác sử dụng nhằm tạo giá trị gia tăng, phát triển kinh tế dữ liệu.

Trong giai đoạn đến năm 2025, Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM sẽ tập trung vào ba nhóm dữ liệu chính gồm:

– Nhóm dữ liệu về người dân (nhóm dữ liệu hành chính, hộ tịch, y tế, giáo dục, an sinh);

– Nhóm dữ liệu tài chính – doanh nghiệp (nhóm dữ liệu thu chi ngân sách, quản lý đầu tư công, doanh nghiệp – hộ kinh doanh cá thể);

– Nhóm dữ liệu về đất đai – đô thị (nhóm dữ liệu đất đai, thông tin địa lý, ngành xây dựng, giao thông, quy hoạch – kiến trúc).

Trên cơ sở đó, một số chỉ tiêu chủ yếu TP cần đạt được đến năm 2025 như sau:

100% hệ thống thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch được hình thành thống nhất trên địa bàn TP phục vụ quản lý, phát triển đô thị.

Hoàn thành tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, dữ liệu về an sinh; dữ liệu về thành lập, tình hình hoạt động doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể của TP; dữ liệu về thu – chi ngân sách, giải ngân đầu tư công.

Các sở, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện mỗi năm có ít nhất một sáng kiến sử dụng dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định.

100% cơ sở dữ liệu của TP phải được lưu trữ, quản lý tại Trung tâm dữ liệu TP, được đảm bảo an toàn thông tin.

Đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu được lưu trữ, quản lý, bảo đảm an toàn - Ảnh 2.

Lãnh đạo TP cùng các chuyên gia quốc tế giúp sức xây dựng Chiến lược quản trị dữ liệu TP

Thành lập Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi ghi nhận, trân quý các ý kiến đóng góp của các chuyên gia quốc tế cũng như chuyên gia trong nước để chỉ dẫn cho Chiến lược quản trị dữ liệu của TP đúng hướng.

Chủ tịch UBND TP giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Nội vụ chủ trì nghiên cứu, tham mưu cho TP để thành lập Trung tâm chuyển đổi số TP. Thời gian thực hiện đến cuối tháng 6-2023.

“Công tác quản trị TP có hiệu quả không, có nâng cao được năng suất lao động, tính cạnh tranh của TP hay không, có phát triển được kinh tế số, xã hội số hay không, tất cả còn phụ thuộc vào sự tham gia chủ động, có trách nhiệm, đồng bộ và hiệu quả của các bên có liên quan, của các sở ngành, quận huyện và công tác triển khai để người dân, doanh nghiệp tham gia vào…”, ông Mãi nhấn mạnh.

Chiến lược quản trị dữ liệu là chương trình hợp tác giữa TP.HCM và Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2022 – 2023.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chuyển đổi sốcơ sở dữ liệuđô thị thông minh

Các tin liên quan đến bài viết