Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam gọi quan hệ Việt – Hàn là ‘phép màu’ và hai nước đang đưa mối quan hệ thành ‘họ hàng, anh em’.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk. Ảnh: Giang Huy. |
Ông Lee Hyuk, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, trao đổi với VnExpress về định hướng sắp tới trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ 22/3 đến 24/3 của Tổng thống Moon Jae-in cùng phu nhân.
– Ông đánh giá thế nào về quan hệ hai nước kể từ khi được thiết lập tháng 12/1992?
– Những kết quả đã đạt được giữa hai bên cho thấy chúng ta là đối tác rất phù hợp với nhau, có thể gọi là “phép màu Việt Nam và Hàn Quốc”. Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, hai nước còn giành được thành tựu đáng kể trong thể thao, gần đây nhất là Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã đoạt ngôi Á quân trong Giải vô địch châu Á ở Trung Quốc, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo. Vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam lần đầu giành Huy chương vàng và bạc trong Olympic Rio năm 2016 ở Brazil, với sự hướng dẫn của huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Chung-gun.
Việt Nam và Hàn Quốc đang đưa hợp tác gần gũi trở thành quan hệ họ hàng, anh em với nhau. Hiện có 170.000 người Việt đang sống tại Hàn Quốc và có 150.000 người Hàn ở Việt Nam. Nếu như người Việt Nam yêu thích các bộ phim và bài hát Hàn Quốc thì người Hàn cũng rất mê các món ăn Việt, ngày càng có nhiều nhà hàng Việt Nam ở Hàn Quốc, phổ biến nhất là món phở và bún chả. Năm 2017 có khoảng 2,4 triệu người Hàn Quốc đến thăm Việt Nam, quốc gia có người Hàn thăm nhiều nhất trong Đông Nam Á.
– Kết quả nổi trội nhất trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là gì, thưa Đại sứ?
– Hợp tác kinh tế phát triển rất mạnh mẽ tuy hai nước mới có mối quan hệ trong 25 năm, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt 64 tỷ USD. Chúng tôi là bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hà Nội là đối tác thương mại lớn thứ tư của Seoul. Từ năm 2014 đến nay, Hàn Quốc vẫn giữ vững vị trí là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
– Vì sao Tổng thống Hàn Quốc thăm Việt Nam thời điểm này?
– Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Moon trong năm 2018. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài tháng sau khi ông dự APEC năm ngoái tại Đà Nẵng, điều đó cho thấy Tổng thống rất coi trọng hợp tác với Việt Nam.
Hai nước đã lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược năm 2009, chuyến đi của Tổng thống nhằm củng cố hơn nền tảng của mối hợp tác đó, hỗ trợ nhau hơn nữa trong tương lai. Seoul cũng muốn tái khẳng định sự coi trọng với Hà Nội, khi Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác trọng tâm của Chính sách Hướng Nam mới, do Tổng thống công bố năm ngoái.
– Điều gì khiến Việt Nam có vai trò quan trọng trong chính sách mới của Hàn Quốc?
– Hàn Quốc mong nâng quan hệ đối tác với các nước ASEAN lên tầm cao hơn, trong khi đó Việt Nam và Hàn Quốc lại có những kết quả hợp tác kinh ngạc. Quy mô trao đổi thương mại của Việt – Hàn hiện chiếm hơn 40% tổng quy mô trao đổi kim ngạch thương mại của Hàn Quốc và ASEAN. Vì thế không có lý do gì Hàn Quốc không coi đó là quan hệ điển hình trong hợp tác với ASEAN.
Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến thị trường Việt Nam ở khía cạnh là nước có dân số đông trong ASEAN, đứng sau Indonesia và Philippines. Tôi cho rằng số lượng doanh nghiệp Hàn đầu tư vào Việt Nam trong tương lai còn tăng hơn nữa.
– Chính sách Hướng Nam có vai trò như thế nào trước những điều chỉnh của Mỹ ở khu vực?
– Khi đưa ra chính sách mới, Hàn Quốc mong chia sẻ những kinh nghiệm phát triển kinh tế của mình với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Từ đó các bên có thể cùng xây dựng một cộng đồng hoà bình, thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm.
So với chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, chúng tôi không có quy mô toàn cầu như vậy. Tuy nhiên Hàn Quốc có thể trao đổi với Mỹ để tạo ra sự hài hoà về chính sách, giúp cân bằng hợp tác trong khu vực, vì sự phát triển chung. Hiện Nhật Bản đang trao đổi với Mỹ về thực hiện chính sách mới của nhau.
– Quan điểm của Hàn Quốc đối với an ninh Biển Đông?
– Tôi cho rằng lập trường của Hàn Quốc về Biển Đông rất rõ ràng, Seoul khẳng định cần phải duy trì tự do an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông, không có các hành động quân sự hoá ở Biển Đông. Các tranh chấp cần được giải quyết hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế và các thoả thuận mà các bên liên quan đã cam kết. Chúng tôi mong các nước liên quan và Trung Quốc sẽ sớm thống nhất về Bộ Quy tắc ứng xử (COC), tạo nền tảng giải quyết hoà bình vấn đề của khu vực này.
– Về hợp tác trên biển, Đại sứ có thể nói rõ hơn kế hoạch cấp tàu tuần tra cho Việt Nam?
– Trong kế hoạch hỗ trợ tàu tuần tra hay tàu hải quân đã qua sử dụng nói chung, Hàn Quốc đã chuyển giao tàu tuần tra Gimcheon cho Việt Nam. Nhiều quốc gia khác cũng đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ tàu đã qua sử dụng và Seoul cũng đã cấp tàu tuần tra cho Philippines.
Việc hỗ trợ như vậy còn tuỳ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa hai nước. Tôi đánh giá hiện chính phủ Hàn Quốc đang xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam về việc cấp thêm tàu, cân nhắc mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai bên.
Theo VnExpress