Ở khoảng cách cực ngắn là… 11,6 triệu km, 46P/Wirtanen sẽ trở thành ngôi sao chổi sáng nhất có thể được nhìn thấy bằng mắt thường trong năm 2018.

Sao chổi sắp thăm Trái đất: cơ hội soi thấy lịch sử địa cầu - Ảnh 1.

Sao chổi 46P/Wirtanen đang tiến gần đến Trái đất

Nhân loại đã quá quen với những chuyến viếng thăm của sao chổi trong hàng ngàn năm qua. Nhưng cũng sau ngần ấy năm, người ta vẫn chưa thể giải đáp hết các bí ẩn của “những kẻ độc hành trong vũ trụ”.

Theo các nhà thiên văn ở Đại học Maryland (Mỹ), chuyến du hành ngang qua Trái đất lần này của Wirtanen sẽ là lần tiếp cận Trái đất ở tầm gần thứ 10 của một sao chổi từng được ghi nhận trong lịch sử hiện đại.

Khách quen của Trái đất

Theo tiến sĩ Ian Musgrave, hiện đã có thể quan sát được sao chổi Wirtanen từ Trái đất bằng kính thiên văn và sẽ đạt độ sáng lớn nhất từ ngày 14 đến 16-12.

Điều thú vị với những người yêu thiên văn học chính là trong thời gian này cũng sẽ xuất hiện mưa sao băng Geminid, với đỉnh điểm vào ngày 15-12.

Được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 17-1-1948 với màu xanh đặc trưng, sao chổi Wirtanen được đặt theo tên của nhà thiên văn học Carl Wirtanen và thuộc nhóm các sao chổi của sao Mộc.

Với chu kỳ ngắn (khoảng 5,4 năm xung quanh Mặt trời), Wirtanen đã nhiều lần đi ngang Trái đất trong 70 năm qua.

Ở vị trí gần Trái đất nhất, sao chổi Wirtanen sẽ cách hành tinh của chúng ta bằng 30 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng.

Mặc dù con số ấy vẫn chưa đủ để phá vỡ kỷ lục từng được thiết lập vào tháng 6-1770 bởi sao chổi D/1770 L1 Lexell (ít hơn 6 lần khoảng cách Trái đất – Mặt trăng) nhưng nếu so với phần lớn sao chổi, chuyến viếng thăm của Wirtanen sắp tới vẫn được coi là “gần”.

Vậy ở khoảng cách gần như vậy, sao chổi này sẽ sáng đến đâu? Không một ai có được câu trả lời chắc chắn bởi sao chổi vốn luôn rất khó đoán định.

Người ta dự đoán Wirtanen có thể đạt cấp sao biểu kiến trong khoảng +3,5 đến +6, tương đương hai ngôi sao nhỏ nhất trong chòm sao Nam Thập tự, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể quan sát được nó ngay cả bằng mắt thường.

Khó khăn là các ngôi sao chổi luôn di chuyển, do đó muốn quan sát chúng cần nắm rõ vị trí các chòm sao.

Lời khuyên là hãy tìm những nơi ít bị nhiễu ánh sáng nhất, chẳng hạn trên một ngọn núi hay cánh đồng xa đô thị để có được các bức ảnh tuyệt đẹp của sao chổi Wirtanen.

Tai họa hay nguồn gốc sự sống?

Nhiều nền văn minh trong lịch sử xem sự xuất hiện của sao chổi đồng nghĩa tai ương sắp giáng xuống.

Các nhà khoa học tin rằng một cú va chạm cực lớn giữa sao chổi và Trái đất đã dẫn tới sự tuyệt chủng của loài khủng long cách đây 65 triệu năm.

Nhưng một cuộc tranh luận chưa có hồi kết vẫn đang diễn ra trong cộng đồng khoa học rằng phải chăng sự sống trên Trái đất đã bắt nguồn từ các vụ va chạm với sao chổi?

Sao chổi Wirtanen đã suýt trở thành đối tượng nghiên cứu của tàu vũ trụ Rosetta thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Sứ mệnh không gian này nhằm tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi bên trên.

Tuy nhiên, kế hoạch bị thay đổi do tên lửa đẩy không đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu nghiên cứu được chuyển sang sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko.

Trong một báo cáo vào tháng 5-2016, các nhà khoa học của ESA cho biết tàu thăm dò đã tìm thấy axit amin và phôtpho – thành phần quan trọng của ADN và màng tế bào – trên sao chổi.

Điều này càng củng cố thêm lập luận của các nhà khoa học là nước và các phân tử hữu cơ được các tiểu hành tinh và sao chổi mang đến Trái đất thời kỳ đầu, cung cấp các thành phần quan trọng của những dạng sống đầu tiên trên hành tinh.

Sự xuất hiện của sao chổi Wirtanen lần này tiếp tục thúc đẩy hi vọng cho các sứ mệnh khám phá sao chổi trong tương lai.

Vị trí tiếp cận gần như vậy cho phép các nhà khoa học có các nghiên cứu toàn diện, trước khi nối lại sứ mệnh thám hiểm.

Thấy dấu hiệu nước trên tiểu hành tinh

Trong một hội thảo tổ chức hôm 11-12, các nhà khoa học cho biết tàu vũ trụ OSIRIS-REx đã tìm thấy bằng chứng về khoáng chất ngậm nước trên bề mặt 101955 Bennu – tiểu hành tinh rộng 487m và cách Trái đất 160 triệu km – bằng máy quang phổ.

Điều đó đồng nghĩa nước từng tồn tại trên tiểu hành tinh này, hoặc hành tinh mẹ của nó.

Việc phát hiện nước trên các hành tinh luôn củng cố giả thiết của các nhà nghiên cứu rằng từng có sự sống trên các hành tinh khác ngoài Trái đất.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : quả địa cầusao ChổiTrái Đất

Các tin liên quan đến bài viết