Được chủ tọa phiên tòa phúc thẩm giải thích cặn kẽ về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của mình, Phạm Thanh Tùng đã rút đơn kháng cáo, chấp nhận bản án tử hình dành cho mình. 

Ngày 18/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử Phạm Thanh Tùng (SN 1996, trú tại TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Phạm Thanh Tùng bị cáo buộc đã sát hại chị Phạm Thu H. (SN 1981, trú tại một chung cư cao cấp trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội) để cướp tài sản.

pham-thanh-tung.jpg

Phạm Thanh Tùng tại tòa phúc thẩm chiều 18/3.

Tại bản án sơ thẩm, Tùng bị tuyên tử hình về tội “Giết người” và 9 năm tù về tội “Cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là tử hình. Phiên phúc thẩm được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo cũng như kháng cáo về mặt dân sự của gia đình bị hại.

Tại phiên phúc thẩm, Phạm Thanh Tùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng, ban đầu, Tùng không có ý định sát hại chị H..

Cắt lời bị cáo, chủ tọa phiên tòa có màn hỏi – đáp ngắn gọn để làm rõ hành vi phạm tội của Tùng. Đáp lời, Tùng chỉ biết cúi đầu, lí nhí thừa nhận.

“Hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, cố ý tước đoạt mạng sống của nạn nhân, đuổi cùng, giết tận.” – chủ tọa đanh thép nói.

Được chủ tọa giải thích cặn kẽ về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của mình, Phạm Thanh Tùng đã rút đơn kháng cáo, chấp nhận bản án tử hình dành cho mình. Chủ tọa cũng nói rõ, Tùng còn có quyền viết đơn xin Chủ tịch nước ân xá.

Trước phiên phúc thẩm, chị Phạm Thị Lan Hương, đại diện gia đình bị hại, đề nghị giữ nguyên mức án tử hình đối với Tùng, đồng thời đề nghị tòa phúc thẩm tăng mức cấp dưỡng bắt buộc của Tùng đối với con gái và mẹ nạn nhân.

Theo chị Hương, hiện nay cháu Phùng B.H., con gái bị hại, đang học tại Trường THPT Marie Cure Hà Nội với học phí và sinh hoạt ngày càng cao, bình quân một tháng khoảng 15 triệu đồng. Trong khi đó, bố cháu B.H. là anh Trần Văn Mạnh hiện nay không có nghề nghiệp gì, thu nhập không có.

Trước khi chị H. bị sát hại, mọi việc ăn học, sinh hoạt hàng ngày của cháu B.H. đều do chị H. lo liệu. Ngoài ra, bà Trần Thị Bê (mẹ chị H.) bị bệnh u màng não, tai biến, huyết áp cao thường xuyên phải điều trị bệnh lại không có bảo hiểm xã hội nên chi phí điều trị cao.

Từ đó, chị Hương đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét tăng mức cấp dưỡng cháu Trần B.H. từ 3 triệu đồng/tháng (theo án sơ thẩm) lên 6 triệu đồng/tháng và cấp dưỡng cho bà Trần Thị Bê từ 1,5 triệu (theo án sơ thẩm) lên 3 triệu đồng/tháng.

Tại tòa phúc thẩm, chủ tọa đã giải thích rõ các quyền của bị hại. Chị Phạm Thị Lan Hương cùng bà Trần Thị Bê đều đồng ý rút đơn kháng cáo.

Đình chỉ xét xử phúc thẩm, chủ tọa phiên tòa tuyên bố bản án sơ thẩm có hiệu lực. Phạm Thanh Tùng còn một quyền cuối cùng là viết đơn xin ân xá gửi lên Chủ tịch nước.

Do đánh bạc bị thua, phải vay nợ nhiều người, Phạm Thanh Tùng nảy sinh ý định giết chị Phạm Thu H. (bạn quen qua facebook) để chiếm đoạt tài sản. Khoảng 9h ngày 31/10/2017, Tùng đến nhà chị H. chơi.

Đến 14h cùng ngày, Tùng ra tay sát hại chị H. với 2 con dao và một chiếc kéo. Gây án xong, Tùng lục lọi đồ đạc và lấy được của chị H. một điện thoại iPhone 7, một điện thoại hiệu Vertu và 28 triệu đồng tiền mặt, tổng tài sản trị giá 120 triệu đồng.

Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 9/2018, Phạm Thanh Tùng bị tuyên tử hình về tội “Giết người” và 9 năm tù về tội “Cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là tử hình.

Theo Dân Trí

Từ khóa : giết người ở chung cưPhạm Thanh Tùng

Các tin liên quan đến bài viết