Nhiều người lớn cho rằng dạy trẻ nhận biết và gọi tên từng bộ phận của cơ thể, vấn đề xâm hại tình dục… là vớ vẩn và bậy bạ.

Né tránh dạy giới tính, người lớn nợ trẻ sự an toàn - Ảnh 1.

Một buổi giáo dục giới tính cho trẻ của dự án “Lớn lên an toàn” 

“Đọc báo về việc thầy giáo dâm ô học sinh ở Hà Nội, tôi nhớ mãi câu nói của một người mẹ: Tôi rất đau lòng vì để con chịu đựng một thời gian dài mà mình không biết”, chị Nguyễn Thị Xuân Hường – đồng sáng lập dự án “Lớn lên an toàn” – mở đầu câu chuyện với Tuổi Trẻ.

Người lớn ngại giáo dục giới tính

* Làm nhiều dự án dạy giới tính cho trẻ, chị đánh giá thế nào về hiểu biết giới tính của trẻ hiện nay?

– Các vấn đề giới tính và tình dục luôn được coi là nhạy cảm, không nên bàn bạc, đặc biệt trong văn hóa Á Đông. Thế nên, nhiều vị phụ huynh cũng như thầy cô giáo rất ngại khi nhắc đến các vùng riêng tư trên cơ thể con người.

Tôi nhớ rất rõ hồi học THCS, khi học đến bài cơ thể con người, cô giáo không giảng giải gì mà chỉ bảo cả lớp mở sách ra chép bài vào vở. Chắc là cô ngại.

Tôi cũng nghe nhiều bạn bè kể về sự ngại ngùng của thầy cô và cha mẹ trong việc giáo dục giới tính lúc nhỏ. Chính sự ngại ngùng đó tạo nên những vùng hổng kiến thức tiềm ẩn đầy nguy cơ, mà xâm hại tình dục là một trong số đó.

* Người lớn ngại giáo dục giới tính cho trẻ gây ra những hệ quả thế nào, thưa chị?

– Khi người lớn không nói, trẻ sẽ tự tìm hiểu thông tin. Có khi những thông tin lại không chính xác, gây ra những hiểu lầm và hậu quả đáng tiếc. Trong khi đó, tình trạng xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ bạn nhỏ nào.

Ở các vùng cao trẻ em có nguy cơ cao hơn vì điều kiện giáo dục còn thiếu và đối mặt với vấn nạn du lịch tình dục. Nhưng tại đô thị, dù cơ hội tiếp cận thông tin và nhận thức của người dân có thể cao hơn, nhưng sự bận rộn, xao nhãng của cha mẹ trong môi trường phức tạp cũng tạo ra nguy cơ không nhỏ.

Né tránh dạy giới tính, người lớn nợ trẻ sự an toàn - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Xuân Hường 

Một lý do nữa khiến trẻ em tại đô thị gặp nguy cơ cao là thủ đoạn dụ dỗ trở nên tinh vi hơn trên mạng Internet. Nhiều trẻ em bị dụ dỗ chỉ thông qua vài lần chat trên Facebook hay các diễn đàn tâm sự. Việc chia sẻ hình ảnh trẻ em trên mạng xã hội thiếu cân nhắc của phụ huynh cũng làm tăng nguy cơ cho con em.

Do vậy, chúng ta cần cung cấp cho trẻ kiến thức về giới tính, cách tự bảo vệ và yêu quý cơ thể mình cũng như của người khác, từ đó giảm nguy cơ các em trở thành nạn nhân hoặc người thực hiện hành vi xâm hại tình dục trong tương lai.

* Trong quá trình dự án “Lớn lên an toàn” hoạt động chị gặp rào cản gì không?

– Tôi và bác sĩ Nguyễn Văn Công cùng sáng lập dự án “Lớn lên an toàn” từ tháng 7-2016 sau khi chúng tôi cùng tham gia “Khóa học mùa thu về phát triển” do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) thực hiện.

Sau hai năm, đội ngũ tình nguyện viên của “Lớn lên an toàn” đã đi tập huấn kỹ năng bảo vệ bản thân cho hơn 2.000 học sinh tiểu học và THCS thuộc 14 tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương…

Thực tế cho thấy rào cản lớn nhất trong việc giáo dục giới tính cho trẻ lại đến từ định kiến của những người lớn.

Nhiều người cho rằng những điều mà chúng tôi dạy cho các em như nhận biết và gọi tên từng bộ phận của cơ thể, cách chăm sóc và bảo vệ cơ thể mình, vấn đề xâm hại tình dục và cách phòng tránh… là vớ vẩn và bậy bạ.

“Tôi nghe nhiều bạn bè kể về sự ngại ngùng của thầy cô và cha mẹ trong việc giáo dục giới tính lúc nhỏ. Chính sự ngại ngùng đó tạo nên những vùng hổng kiến thức tiềm ẩn đầy nguy cơ, mà xâm hại tình dục là một trong số đó”

Chị Nguyễn Thị Xuân Hường – đồng sáng lập dự án “Lớn lên an toàn”

Dạy giới tính cho con, cha mẹ cũng phải học

* Nhưng nhiều phụ huynh cũng tâm sự rằng họ không biết phải mở lời như thế nào để giáo dục con phòng tránh xâm hại tình dục?

– Cái khó của nhiều phụ huynh hiện nay là chính họ cũng không được dạy một cách có hệ thống về vấn đề này. Đó là chưa kể hàng loạt định kiến khiến họ ngại ngùng khi mở lời với con. Do vậy, phụ huynh cũng cần phải học.

Hiện tại, trên thị trường đã có khá nhiều sách giáo dục giới tính, phụ huynh có thể mua sách về và cùng con đọc sách. Tôi mong các bậc làm cha làm mẹ hãy cởi mở hơn với con cái, hãy xem con mình là bạn để cùng học, cùng đọc, cùng chia sẻ với con.

Những cuộc trò chuyện sẽ làm tăng sự tin tưởng của con cái. Sự tin tưởng là điều cần nhất khi trẻ gặp chuyện đáng tiếc.

* Theo chị, thời điểm nào cần giáo dục giới tính cho con?

– Tôi cho rằng càng sớm càng tốt, cần cho trẻ biết rằng trẻ là chủ cơ thể mình. Khi đi sâu vào chi tiết, phụ huynh cần nắm rõ tuổi nào thì cần biết gì. Từ 3 tuổi, trẻ đã nên biết vùng nào là vùng riêng tư trên cơ thể và ai thì được phép động chạm vào khu vực đó. Một số phụ huynh đợi đến khi con dậy thì là quá muộn.

Chưa kể, ở lứa tuổi dậy thì, nhiều trẻ đã giảm sự gắn bó của mình với cha mẹ mà thân thiết với bạn bè đồng trang lứa hơn. Lúc ấy mới giáo dục giới tính thì sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn.

Tôi cho rằng sự quan tâm của cha mẹ đối với vấn đề giáo dục giới tính, việc dạy con bảo vệ mình, phòng tránh nạn xâm hại tình dục là vấn đề cần thúc đẩy mạnh nhất.

Nó phải được xã hội quan tâm thường xuyên chứ không phải cứ mỗi lần có một sự vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra thì xã hội mới giật mình, lo lắng. Lúc ấy, phụ huynh mới hốt hoảng cho con em đi học; các cơ quan chức năng xã hội hay báo chí mới vào cuộc.

Chúng tôi hay tâm niệm một câu nói của ông Nelson Mandela – cố tổng thống Nam Phi – rằng chúng ta “nợ trẻ em một xã hội an toàn”. Xã hội ấy không tự dưng xuất hiện, mà chỉ có thể có khi toàn xã hội cùng góp sức, mỗi người một chút.

Đó không phải là việc riêng của các tổ chức cộng đồng. Một cuốn sách giáo dục giới tính bạn tặng cho người hàng xóm có con nhỏ hôm nay, đôi khi là đủ để thay đổi số phận của một đứa trẻ.

Chống xâm hại tình dục trẻ em

“Lớn lên an toàn” ra đời ngày 15-7-2016 tại Hà Nội với mục tiêu thực hiện truyền thông – giáo dục nhằm phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Năm 2017, dự án nhận được tài trợ từ Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Dự án có hai hoạt động chính: tổ chức các lớp tập huấn theo phương pháp có sự tham gia của trẻ em, giúp các em trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản và các kỹ năng sống khác, bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại tình dục; tổ chức các chiến dịch truyền thông xã hội, các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt đối với các em dân tộc thiểu số tham gia thị trường lao động trong ngành dịch vụ, du lịch.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giáo dục giới tínhgiới tínhhọc sinhtrẻ em

Các tin liên quan đến bài viết