“Việt Nam và Úc sẽ thí điểm thành lập nhiều hội đồng kỹ năng ngành về giáo dục nghề nghiệp, như: Cơ khí, du lịch, khách sạn nhà hàng, công nghệ thông tin…Điều này giúp chuẩn hoá quy trình đào tạo và giúp lao động có trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp”.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với đại diện Đoàn đại biểu Trung tâm dạy nghề quốc gia Úc. (Ảnh: Dũng Tuấn)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với đại diện Đoàn đại biểu Trung tâm dạy nghề quốc gia Úc. (Ảnh: Dũng Tuấn)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết tại cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Trung tâm dạy nghề quốc gia Úc, do ông Stephen Marks – Chủ tịch hội đồng Học viện Chisholm – dẫn đầu. Cuộc làm việc diễn ra chiều ngày 5/9, tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH (Hà Nội).

Việc xây dựng mô hình Hội đồng kỹ năng nghề nằm trong lộ trình cải cách hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, việc xây dựng đã được thí điểm ở một số dự án giữa Việt Nam và Đan Mạch. Bước đầu đã thu được những kết quả tốt.

Theo đó, trên nền tảng hệ thống bộ giáo trình nghề của Úc đào tạo 12 nghề trọng điểm, hai bên sẽ cùng nghiên cứu xây dựng các Hội đồng kỹ năng nghề sẽ bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, trường nghề và Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp nhằm xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng hoạt động đánh giá kỹ năng đào tạo…

Trước đó, để phục vụ việc chuyển giao các bộ giáo trình từ Úc, Bộ LĐ-TB&XH đã cử 318 giáo viên chuyên môn 12 nghề của 25 trường đi đào tạo, bồi dưỡng tại Úc. Trong số giáo viên trên có 193 giáo viên đã được Học viện Chisholm trực tiếp kiểm định, đánh giá và đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ năng lực để tham gia giảng dạy các lớp đào tạo thí điểm theo quy định của Học viện Chisholm.

Qua đó giúp người học có kiến thức cập nhật và tay nghề sát với yêu cầu doanh nghiệp, dễ tìm được việc làm khi tốt nghiệp trường nghề.

Trao đổi với đoàn chuyên gia của Úc về hợp tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao công tác chuyển giao bộ chương trình của 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Học viện Chisholm (Bang Victoria, Úc) tới Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thời gian qua.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, điểm tồn tại lớn nhất trong hợp tác của 2 bên là khả năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên trường nghề tại Việt Nam.

Về cơ bản, sinh viên trường nghề có trình độ ngoại ngữ khiêm tốn hơn sinh viên đại học. Hầu hết các em sinh viên đại học sử dụng ngoại ngữ thông thạo hơn. “Do đó, công tác đào tạo cần theo hướng cầm tay chỉ việc và cụ thể hơn” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.


Nhiều nội dung được bàn thảo tại cuộc họp. (Ảnh: Dũng Tuấn)

Nhiều nội dung được bàn thảo tại cuộc họp. (Ảnh: Dũng Tuấn)

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hy vọng lợi thế từ công tác giáo dục nghề nghiệp của Úc sẽ hỗ trợ nhiều hơn tới quá trình phát triển dạy nghề tại Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Úc có thế mạnh về quy hoạch chiến lược giáo dục nghề nghiệp trong từng lĩnh vực, như: Du lịch, khách sạn nhà hàng, công nghệ đáp ứng nhu cầu 4.0. Ngoài ra, việc quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp tư nhân khá tốt…”.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Stephen Marks đánh giá cao về chất lượng đào tạo, tinh thần học hỏi và nhiệt huyết của các sinh viên, giáo viên trong hệ thống 25 trường nghề được chuyển giao các bộ giáo trình nghề của Úc.

“Tôi hài lòng về khả năng sư phạm của giáo viên khi truyền đạt nội dung các bộ giáo trình của Úc tới sinh viên. Dù khoá đào tạo cho các giáo viên này ở Úc chỉ có tính ngắn hạn. Tôi tin là họ có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ đề ra” – ông Stephen Marks nói.

Về khó khăn, ông Stephen Marks đồng nhận định về khả năng hạn chế khi sử dụng tiếng Anh của sinh viên trường nghề của Việt Nam.

“Để khắc phục điều này, chúng tôi đã có những kế hoạch để xây dựng lộ trình hỗ trợ cho sinh viên tiếp cận và cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh hơn nữa” – ông Stephen Marks khẳng định.

Cũng trong cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Học viện Chisholm và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lưu ý nhiều nội dung quan trọng.

“Đầu tiên là việc cần điều chỉnh nội dung trong hệ thống các bộ giáo trình từ Úc để phù hợp hơn với môi trường đào tạo Việt Nam. Nội dung gì có thể giảm tải hoặc tăng thêm? Thậm chí, thời lượng đào tạo ngoại ngữ cần điều chỉnh có tính linh hoạt hơn” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ giáo trình quan trọng, nhưng công tác đào tạo giáo viên cần được ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng lưu ý: “Giáo viên cần được “thẩm thấu” kiến thức, qua đó mới có thể truyền đạt đầy đủ nội dung các giáo trình tới sinh viên trường nghề”.

Cuối cùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị hai bên cần lựa chọn những sinh viên ưu tú nhất trong hệ thống 25 trường nghề để tiếp cận với hệ thống bộ giáo trình mới của Úc chuyển giao. Qua đó xây dựng nhóm nhân lực có chất lượng để làm nòng cốt cho việc đào tạo lan toả sau này.

Theo Dân Trí

Từ khóa : dạy nghềdạy nghề Úcgiáo dục nghề nghiệphệ thống giáo dụckỹ năng nghềTrung tâm dạy nghềÚcViệc làm

Các tin liên quan đến bài viết